Dịp nghỉ lễ đang đến gần, đây là thời điểm mà nhiều người tự “nuông chiều” mình với những món ăn, đồ uống hấp dẫn với lượng đường cao chót vót. Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được các tác hại của đường đối với cơ thể, nhất là khi bạn lạm dụng chúng. Những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra đường còn liên quan đến trí nhớ kém, trầm cảm và ăn quá nhiều.
1. Ảnh hưởng của đường lên não bộ
Khi chế độ ăn của bạn có quá nhiều đường, khả năng sản sinh ra 1 loại protein gọi là: yếu tố dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (Brain-Derived Neurotrophic Factor – BDNF) của não sẽ suy giảm. Bộ não của bạn cần BDNF cho các quá trình cơ bản, chẳng hạn như học hỏi và hình thành ký ức mới.
Theo nghiên cứu được báo cáo trên tạp chí Psychiatry Research, mức BDNF thấp cũng liên quan đến các bệnh mãn tính khác, chẳng hạn như chứng mất trí và trầm cảm.
Ngoài ra, nếu bạn đang cố gắng giảm cân, việc hấp thu quá nhiều đường có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của bạn. Một nghiên cứu trên tạp chí Peptides cho thấy ăn quá nhiều đường trong thời gian dài có thể cản trở cơ thể nhận biết khi nào là đủ no. Điều này có thể gây ra phản ứng ngược là ăn quá nhiều và tăng cân quá mức.
2. Các mẹo giúp bạn giảm ăn đường
2.1. Ăn trái cây thay cho món tráng miệng
Não bộ con người cần đường để duy trì hoạt động, nhưng tốt nhất là nên hấp thụ những loại đường có trong trái cây và ngũ cốc. Nếu bạn thường xuyên thích những món tráng miệng có độ ngọt cao, hãy cân nhắc đổi khẩu phần đó sang các loại trái cây. Việc này không chỉ giúp bạn tránh được các vấn đề liên quan đến đường mà còn giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chế độ ăn nhiều trái cây còn giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư và các bệnh mãn tính khác.
2.2. Hạn chế uống nước ngọt và đồ uống có gas
Mặc dù bạn có thể biết các loại thực phẩm có đường nên tránh, nhưng cũng có không ít người chủ quan với các loại đồ uống quen thuộc. Bạn có biết 1 lon nước ngọt chứa khoảng 33 gam đường, và nếu bạn uống mỗi lon một ngày sẽ tương đương với hấp thụ 15,8kg đường mỗi năm? Tiêu thụ một lượng đường cao như vậy sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và béo phì.
Các chuyên gia đều thống nhất khuyên bạn hãy từng bước giảm lượng đường nạp vào cơ thể. Bạn có thể thay thế các loại đồ uống có đường yêu thích bằng nước lọc hoặc trà thảo mộc. Nếu có những loại đồ uống mới nào mà bạn muốn thử, hãy thử tìm hiểu thông tin dinh dưỡng trước.
Hạn chế uống nước ngọt và đồ uống có gas giúp bạn giảm ăn đường
2.3. Tránh các loại đường bổ sung
Bằng cách chú ý các thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, bạn có thể tránh các loại đường bổ sung có trong nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Hãy kiểm tra cẩn thận các thành phần kết thúc bằng chữ “ose”, chẳng hạn như Glucose, fructose, dextrose và maltose.
Các loại đường bổ sung khác cần chú ý bao gồm:
- Nước mía hoặc siro;
- Siro ngô nhiều fructose;
- Mật ong;
- Mật đường;
- Mật hoa;
- Nước ép trái cây cô đặc.
3. Giảm ăn đường vì lợi ích sức khỏe. Hãy chọn sức khỏe thay vì đường
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được mối liên hệ giữa thực phẩm và tâm trạng, trong đó đường là một trong những yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc của bạn. Vậy cách để sống vui vẻ đơn giản và khoa học nhất là gì? Hãy bắt đầu từ việc giảm ăn đường.
Ngay khi thấy dấu hiệu cơ thể thừa đường, bạn hãy dần kiểm soát lượng đường trong chế độ ăn uống và nếu cần, cân nhắc thực hiện chế độ ăn kiêng không đường nếu cần. Điều quan trọng nhất là đủ kiên trì để cắt giảm lượng đường mà bạn tiêu thụ hàng ngày, rồi đảm bảo bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả đạt được.
Nguồn tham khảo: healthline.com