1. Bị sốt, cảm có nên chạy bộ tập thể dục?
Khi sức khỏe đang gặp vấn đề, ví dụ như cảm lạnh, viêm mũi, họng hay đau bụng… nhiều người vẫn cố duy trì tập thể dục khi để mong nhanh khỏe hơn hoặc chỉ đơn giản là không muốn bỏ lỡ buổi tập. Tuy nhiên, sự cố gắng này có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Vậy bị cảm, bị sốt có nên chạy bộ tập thể dục? Theo các chuyên gia, bạn có thể tập luyện trong trường hợp:
- Cảm lạnh nhẹ: Là tình trạng nhiễm virus vùng mũi và họng. Mặc dù mỗi người sẽ gặp các triệu chứng khác nhau, nhưng hầu hết đều bị nghẹt mũi, nhức đầu, hắt hơi và ho nhẹ. Khi bị cảm lạnh nhẹ (nhiệt độ cơ thể dưới 37,5°C), bạn vẫn có thể luyện tập nếu cảm thấy đủ sức, đồng thời cân nhắc giảm cường độ hoặc rút ngắn thời gian tập phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại. Không nên vận động thể chất nhiều khi cảm thấy mệt. Lưu ý che miệng khi hắt hơi hoặc ho để bảo vệ sức khỏe của mọi người nếu tập thể dục lúc đang bị cảm.
- Viêm và nghẹt mũi: Tập thể dục thật sự tốt cho sức khỏe, nếu chỉ bị viêm mũi dị ứng nhẹ, bạn không cần bận tâm mà hãy tiếp tục việc luyện tập. Mặc dù tình trạng nghẹt mũi có thể gây cảm giác bực bội và khó chịu, nhưng thực tế vận động có khả năng mở thông mũi, giúp bạn thở tốt hơn. Người bệnh chỉ cần cân nhắc tình trạng sức khỏe của mình, hoặc giảm cường độ và thời gian tập phù hợp. Những bài tập gợi ý là đi bộ nhanh hoặc đạp xe.
- Đau họng: Trong trường hợp đau họng liên quan đến sốt, ho khan hoặc khó nuốt, bạn nên tạm dừng tập luyện đến khi bác sĩ cho phép. Tương tự với các triệu chứng khác như mệt mỏi và nghẹt mũi… Tuy nhiên nếu bị đau họng nhẹ, bạn vẫn có thể tập thể dục và đừng quên bù nước mát cho cơ thể trong khi tập cũng là một cách để làm dịu cơn đau họng.
Những trường hợp không nên tập thể dục bao gồm:
- Sốt cao: Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên trên mức bình thường do nhiều nguyên nhân, thường là do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus. Sốt có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, bao gồm mệt mỏi, mất nước, đau cơ và chán ăn. Việc tập thể dục khi bị sốt sẽ làm tăng nguy cơ mất nước, khiến sốt cao hơn. Hơn nữa, sốt còn làm giảm sức mạnh cơ bắp và sức bền của bạn, dẫn tới tăng nguy cơ chấn thương trong lúc tập luyện. Do đó, khi thân nhiệt trên 38°C thì không nên vận động nhiều vì bất cứ lý do gì.
- Ho dai dẳng: Ho là phản ứng của cơ thể khi có các tác nhân ảnh hưởng đường hô hấp, đồng thời cũng là triệu chứng của nhiều bệnh. Ho dai dẳng cản trở bạn thở sâu, đặc biệt là khi nhịp tim tăng lên trong khi vận động. Điều này sẽ làm cho người bệnh dễ bị khó thở và mệt mỏi. Thêm vào đó, ho nhiều ở phòng tập có thể khiến tác nhân gây bệnh phát tán ra xung quanh. Vì thế, không nên tập dục nếu bạn bị ho dai dẳng.
- Cúm: Đây là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, bao gồm sốt, ớn lạnh, đau họng, nhức mình, yếu mệt, đau đầu, ho, tắc mũi… Sốt do cúm có thể làm tăng nguy cơ mất nước cơ thể, đặc biệt nguy hiểm nếu bạn tập thể dục. Vận động quá mức khi đang bị cúm cũng làm kéo dài tình trạng bệnh và trì hoãn sự phục hồi của cơ thể.
2. Hướng dẫn chung về tập thể dục khi bị sốt
Hoạt động thể chất nhẹ đến trung bình thường không gây ra nhiều ảnh hưởng nếu bạn chỉ bị cảm lạnh thông thường và không sốt. Sau đây là hướng dẫn chung về tập thể dục khi bị sốt và cảm mà bạn có thể xem xét:
- Tập thể dục thường là ổn nếu các triệu chứng của bạn đều ở “trên cổ”. Nghĩa là những dấu hiệu và triệu chứng chỉ xuất hiện từ cổ trở lên mà mọi người có xu hướng mắc phải khi bị cảm lạnh thông thường.
- Cân nhắc giảm cường độ và thời lượng tập luyện của bạn. Ví dụ như đi dạo nhẹ nhàng thay vì chạy bộ như thường lệ.
- Đừng tập thể dục nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn ở “dưới cổ”, chẳng hạn như tức ngực, ho khan hoặc đau bụng.
- Không tập thể dục khi bị sốt, mệt mỏi hoặc đau nhức cơ lan rộng.
Cuối cùng là hãy lắng nghe cơ thể của chính mình. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, hãy nghỉ ngơi. Nghỉ vài ngày tập thể dục khi bị sốt và ốm đau sẽ không ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện của bạn. Ngược lại, gắng sức tập thể dục ở cường độ bình thường khi bị cảm lạnh đơn thuần có thể dẫn đến chấn thương hoặc bệnh tình diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Hãy dần quay lại thói quen tập luyện bình thường khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn, đỡ bệnh đi nhiều. Nên hỏi ý kiến chuyên gia y tế nếu bạn không chắc bị sốt, bị cảm có nên chạy bộ được hay không.
Nếu bạn vẫn quyết định tập thể dục khi bị ốm, hãy giảm cường độ và thời lượng tập luyện, đừng quên bổ sung đủ nước trong khi tập. Tập luyện nhẹ nhàng khi bị ốm vừa giúp duy trì sự nhất quán trong lịch trình, vừa nâng cao thể lực, giúp bạn nhanh vượt qua bệnh tình hiện tại để sống khỏe hơn.
Nếu bị ốm nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, bổ sung chế độ ăn uống. Trong trường hợp ốm nặng và tình trạng dai dẳng kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để có hướng can thiệp kịp thời.
Nguồn: webmd.com – mayoclinic.org